NHỮNG TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NHỮNG TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ

VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ SỐ PHẬN !
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

  • Share
  • Xem bài mới từ lần truy cập trước
  • Xem bài của bạn

Logged in as Anonymous. Lần truy cập trước của bạn:

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Admin

Admin
Admin
Chuyện “người ngoài hành tinh”: Người đọc chữ bằng... môi 4_dubi979_180
Sau một thời gian thâm nhập trong thế giới người khiếm thị, chúng tôi cứ đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Song chúng tôi cũng nhận ra một điều là,

có thể ông trời lấy đi của họ đôi mắt nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, người khiếm thị vẫn có thể tạo dựng được một cuộc sống bình thường như bao con người lành lặn khác.



I. Người ta vẫn nói "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" để nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt và hai bàn tay trong cuộc sống của mỗi người. Ấy thế mà có một chàng thanh niên bị hỏng cả hai mắt, lại cụt đôi bàn tay nhưng vẫn tạo lập được một cuộc sống mà nhiều người lành lặn phải khâm phục. Đó là anh Nguyễn Văn Đức (trú tại tập thể Bệnh viện 198, Mai Dịch, Hà Nội).

Chúng tôi có mặt tại khu tập thể Bệnh viện 198 (Bộ Công an) trong một buổi chiều hè oi ả. Căn nhà của anh Đức nằm cuối một con ngõ nhỏ, nép khiêm tốn vào những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Vừa bước tới cửa, chúng tôi cảm thấy không gian bỗng như dịu đi bởi tiếng ru con của một người đàn ông: "À ơi... cái cò đi đón cơn mưa".

Nghe chúng tôi gọi, ít phút sau một cụ già ngoài 80 tuổi ra mở cửa. Bà là Lê Thị Ngọc Lan - mẹ đẻ anh Đức. Bà đang dở tay vo đỗ nấu chè cho con cháu ăn giải nhiệt. Anh Đức nghe tiếng dép loẹt quẹt liền đứng dậy: "Mẹ vào bế cháu để con làm cho". Thế rồi trước con mắt ngạc nhiên của chúng tôi, anh Đức bê chiếc nồi ra phía vòi nước trước cửa nhà, vặn vòi rồi vo đỗ bằng đôi tay bị cụt tới gần khuỷu. Anh vo sạch rồi chêm nước, bắc lên bếp thành thạo như một người nội trợ chuyên nghiệp.

Trong lúc anh Đức bắc nồi chè, cháu bé chừng được 6 tháng tuổi có lẽ do nóng quá đang ngủ ngon liền tỉnh dậy khóc ré lên. Anh Đức vội lấy khăn lau tay khô rồi chạy lại đỡ con. Vẫn đôi tay ngắn choằn ấy rất khéo léo bế con rồi đung đưa, à ơi ru hời. Và thật lạ, chỉ vài phút sau cháu bé đã lại ngủ ngon lành.

Thấy vẻ mặt chúng tôi lộ rõ sự ngạc nhiên, bà Lan bảo: "Trời lấy đi của Đức đôi mắt, đôi bàn tay song bù lại cho nó sự kiên nhẫn, chịu thương chịu khó. Việc nhà không việc gì là nó không làm được. Nó cũng rất chịu khó học hành, năm nay đang học chương trình lớp 11 rồi đấy anh ạ".

"Dạ thưa không biết anh học như thế nào ạ?" - tôi hỏi.

"Tôi học bằng chữ nổi anh ạ" - Anh Đức trả lời.

"Nhưng tay anh thế kia mà vẫn nhận được mặt chữ?".

"Các anh thắc mắc như thế cũng đúng. Hầu như đa phần người mù đều dùng các ngón tay để đọc chữ braille, tôi không đọc bằng tay mà bằng... môi". Trước sự chứng kiến của chúng tôi, anh Đức lấy ra một cuốn vở ghi bằng chữ nổi. Vừa bế con, anh Đức vừa đưa cuốn vở ra rà lên môi rồi bắt đầu đọc vanh vách: "Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích"... Thấy anh Đức đọc chữ kiểu ấy, tôi lấy làm lạ lùng và ngạc nhiên lắm.

II. Đức là con út của bà Lan, ông Phú (đều là cán bộ của Bệnh viện 198 - Bộ Công an) trong gia đình có tới cả chục anh chị em. Khi Đức đang tuổi ăn tuổi lớn thì xảy ra một sự việc đau lòng.

Một buổi chiều hè, Đức (khi ấy khoảng 10 tuổi) cùng hai anh lang thang ra khu ao gần nhà để câu cá. Đức kiếm được 1 chiếc tanh xe đạp làm lưỡi, còn cậu anh cả mang về một khối thép có một lỗ nhỏ để uốn mà không biết đó là một chiếc kíp mìn. Đức vừa thò chiếc tanh vào uốn uốn thì kíp mìn phát nổ, hất cả ba anh em ngã ngửa ra.

Nghe tiếng nổ, những người hàng xóm vội vàng chạy đến đưa cả ba vào bệnh viện cấp cứu. Hai người anh ngồi xa hơn nên chỉ bị thương nhẹ, riêng Đức bị hỏng cả hai mắt, lại phải cắt cụt hai bàn tay. Tỉnh dậy trên giường bệnh viện, Đức cứ khóc: "Hai tay con đâu rồi, sao con không nhìn thấy gì nữa hả mẹ ơi...". Nhắc đến đây, bà Lan không kìm được những giọt nước mắt trên khuôn mặt già nua vì tuổi tác.

Từ bấy giờ trở đi, Đức dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. Từ một cậu bé nhanh nhẹn, hiếu động Đức ngày một ù lỳ, quanh năm suốt tháng chả bao giờ thấy cậu cười nói. Ở nhà mãi thì cuồng chân cuồng tay, nhưng cứ ra ngoài ngõ gặp bọn trẻ là lại bị trêu ghẹo, đã có lúc Đức không muốn sống thêm bất cứ một giây phút nào nữa.

Năm tháng trôi đi, Đức lớn lên trong sự tự ti, mặc cảm với cuộc sống. Ông Phú, bà Lan lúc nào cũng động viên, khuyến khích con tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người khiếm thị. Người bạn thân nhất của Đức là chiếc đài radio bán dẫn. Nó không chỉ là nguồn vui, nguồn hạnh phúc mà có lẽ còn là cứu cánh cho cuộc sống của Đức. Nghe đài nhiều, Đức nảy sinh ham muốn làm thơ, viết văn. Bởi qua những chương trình phát trên sóng thì anh được thấy nhiều người khuyết tật có thể sáng tác các tác phẩm rất hay, cảm động. Đức cũng làm được mấy bài thơ, nhưng chỉ lẩm nhẩm trong đầu mà không cách gì ghi ra giấy được.

Anh Đức dùng môi đọc chữ.
Chuyện “người ngoài hành tinh”: Người đọc chữ bằng... môi 4_anhduc979_400

Năm 2000, Đức tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù quận Cầu Giấy. Ở đây, Đức thấy nhiều người học đọc, viết chữ nổi và làm thơ viết văn thì thèm lắm. Đức xin cha mẹ tiền mua giấy bút, sách giáo khoa để theo học. Nghe con nói muốn đi học chữ, bà Lan mừng lắm nhưng lại lo ngay: "Người khiếm thị vẫn có thể dùng tay để đọc chữ nổi, còn con mình tay chân thế kia thì học bằng cách nào...".

Ban đầu, Đức cố gắng dùng mẩu thịt thừa nơi cùi tay để sờ soạng, nhận biết mặt chữ. Cả tháng trời mà Đức không nhớ nổi vài chữ cái, vì chỗ cùi tay rất ít dây thần kinh, hầu như không có cảm giác gì; mà chữ thì lại bé... Đã có lúc gần như bất lực, Đức bật khóc...

Nghe chuyện có nhiều người cụt tay có thể dùng chân làm mọi việc, Đức cũng thử dùng chân đọc. Lần lượt các ngón chân được thử nghiệm với chữ nổi, song kết quả cũng không khả quan hơn là bao. Thêm một lần nữa, sự khát khao học tập của anh vướng phải một trở ngại lớn dường như vô vọng.

Đến nửa năm sau, trong một chương trình khám phá về cơ thể người trên đài phát thanh, Đức được biết môi và lưỡi cũng là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể. Vậy là một ý tưởng lóe lên trong óc: "Thử dùng môi xem sao". Kết quả ngoài sự mong đợi. Đức cứ lần lượt "nhận dạng" được chữ a, b, c... "Không ngờ hơn 20 tuổi rồi mà mình bắt đầu học lại bảng chữ cái, y như hồi lớp một ấy anh ạ" - Đức nói vui. Trong vòng một tháng thì anh học thuộc được hoàn toàn bảng chữ braille.

Minh Tiến

Nguồn: CAND Online

https://tamguong.forum-viet.com

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết




More Cool Stuff At POQbum.com

Loading
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất